CÁC THÔNG SỐ MÁY ẢNH CƠ BẢN CHO NGƯỜI MỚI
Bạn mới bắt đầu làm quen với nhiếp ảnh nhưng cảm thấy bối rối trước hàng loạt thông số máy ảnh ? Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao ảnh của mình lại quá sáng hoặc quá tối, tại sao chủ thể bị nhòe, hoặc tại sao màu sắc không giống như thực tế? Tất cả những vấn đề đó đều liên quan đến việc hiểu rõ các thông số máy ảnh cơ bản như khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO. Nếu không nắm vững, bạn có thể sẽ mãi phụ thuộc vào chế độ tự động mà không kiểm soát được kết quả cuối cùng. Nhưng nếu bạn hiểu chúng, bạn sẽ làm chủ ánh sáng, độ sắc nét và màu sắc theo ý muốn. Vậy tại sao không dành thời gian tìm hiểu ngay từ bây giờ để nâng cao chất lượng ảnh của mình? Hãy bắt đầu với những kiến thức cơ bản và từng bước khám phá sức mạnh thực sự của chiếc máy ảnh trong tay bạn!
1. Cảm biến ảnh (Image Sensor)
Cảm biến ảnh là bộ phận quan trọng nhất trong máy ảnh, có nhiệm vụ thu nhận ánh sáng và chuyển đổi nó thành tín hiệu kỹ thuật số để tạo ra hình ảnh. Kích thước và chất lượng của cảm biến quyết định độ chi tiết, độ nhiễu và khả năng hoạt động trong điều kiện ánh sáng yếu.
Các loại cảm biến phổ biến gồm:
- Full-frame: Có kích thước lớn tương đương phim 35mm, thu nhiều ánh sáng, tạo độ chi tiết cao, cho chất lượng ảnh chuyên nghiệp.
- APS-C: Nhỏ hơn full-frame, thường xuất hiện trên máy ảnh DSLR và mirrorless phổ thông, phù hợp cho người mới bắt đầu.
- Micro Four Thirds: Cảm biến nhỏ hơn APS-C, giúp máy ảnh gọn nhẹ, phù hợp khi cần tính di động cao.
Cảm biến càng lớn, hình ảnh càng sắc nét, Dynamic Range tốt hơn và ít nhiễu hạt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu. Tuy nhiên, máy ảnh có cảm biến lớn thường đắt và cồng kềnh hơn.
Để hiểu chi tiết hơn, hãy đọc bài viết về cảm biến máy ảnh của chúng mình!
2. Độ phân giải (Megapixel)
Độ phân giải của máy ảnh được đo bằng megapixel (MP), đại diện cho số lượng điểm ảnh mà cảm biến có thể ghi nhận. Ví dụ, máy ảnh 24MP có thể chụp ảnh với 24 triệu điểm ảnh.
Phân loại các mức độ MP theo nhu cầu:
- Cao (40MP trở lên): Phù hợp cho in ấn lớn, chỉnh sửa ảnh chi tiết.
- Trung bình (16-24MP): Đủ cho hầu hết nhu cầu chụp ảnh và chia sẻ online.
- Thấp (dưới 16MP): Dành cho máy ảnh cũ hoặc chuyên dụng.
Độ phân giải cao giúp ảnh sắc nét hơn nhưng cũng tạo ra file lớn hơn, yêu cầu dung lượng lưu trữ cao. Nếu cảm biến nhỏ mà độ phân giải cao, có thể dẫn đến nhiễu hạt khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu. Tuy nhiên mức độ sắc nét không chỉ dựa vào thông số máy ảnh này.
3. Khẩu độ (Aperture)
Khẩu độ là độ mở của ống kính, cho phép ánh sáng đi vào cảm biến. Được ký hiệu bằng “f/” (vd: f/1.8, f/4), số f càng nhỏ thì khẩu độ càng lớn.
- Khẩu độ lớn (vd: f/1.4, f/1.8): Thu nhiều ánh sáng, phù hợp để chụp chân dung, chụp trong điều kiện ánh sáng yếu, tạo hiệu ứng bokeh (xóa phông).
- Khẩu độ nhỏ (vd: f/8, f/16): Ít ánh sáng hơn, phù hợp cho chụp phong cảnh, đảm bảo tất cả các vật thể trong ảnh đều sắc nét.
Khẩu độ lớn giúp chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn mà không cần tăng ISO hay giảm tốc độ màn chập. Nó cũng tạo hiệu ứng xóa phông đẹp mắt. Khẩu độ nhỏ đảm bảo độ sâu trường ảnh lớn hơn, giúp ảnh có nhiều chi tiết rõ nét.
Để biết chi tiết hơn, hãy đọc bài viết về khẩu độ của chúng mình!
4. Tốc độ màn trập (Shutter Speed)
Tốc độ màn trập là khoảng thời gian màn trập đóng và mở để ánh sáng đi vào cảm biến, tính bằng giây hoặc phần giây (vd: 1/1000s, 1s).
- Tốc độ cao (vd: 1/2000s, 1/1000s): Đông cứng chuyển động, thích hợp để chụp thể thao, động vật hoang dã.
- Tốc độ chậm (vd: 1s, 30s): Dùng để chụp phơi sáng, chụp cảnh đêm, tạo hiệu ứng mờ chuyển động.
Tốc độ màn trập nhanh giúp chụp ảnh sắc nét hơn khi đối tượng đang chuyển động. Tốc độ màn trập chậm có thể tạo hiệu ứng phơi sáng đẹp nhưng cũng dễ làm ảnh bị rung và nhoè nếu không sử dụng chân máy.
Để hiểu chi tiết hơn, hãy đọc bài viết về tốc độ màn trập của chúng mình!
5. ISO
ISO là độ nhạy sáng của cảm biến. ISO càng cao thì cảm biến càng nhạy với ánh sáng, giúp chụp ảnh trong điều kiện tối mà không cần mở khẩu lớn hoặc giảm tốc độ màn trập.
- ISO thấp (100-400): Ít nhiễu hạt, hình ảnh sắc nét, phù hợp với điều kiện ánh sáng tốt.
- ISO cao (800-6400 trở lên): Hỗ trợ chụp trong điều kiện ánh sáng yếu nhưng dễ xuất hiện nhiễu hạt.
ISO cao giúp máy ảnh thu nhiều ánh sáng hơn, phù hợp để chụp trong môi trường tối mà không cần dùng đèn flash. Tuy nhiên, ISO quá cao có thể làm ảnh bị nhiễu, mất chi tiết. Tuy nhiên trên một số máy ảnh, trong trường hợp đặc biệt mức iso rất cao cũng không gây ra nhiễu ảnh.
Để hiểu chi tiết hơn, hãy đọc bài viết về chỉ số ISO của chúng mình!
6. Tiêu cự của ống kính
Tiêu cự là khoảng cách từ trung tâm ống kính đến cảm biến, quyết định góc nhìn và độ phóng đại của ảnh.
- Góc rộng (14-35mm): Chụp phong cảnh, kiến trúc, nội thất với góc nhìn bao quát.
- Tiêu chuẩn (35-70mm): Phù hợp cho chụp chân dung, đường phố.
- Tele (70mm trở lên): Zoom xa, chụp chân dung với nền mờ, chụp thể thao, động vật hoang dã.
Tiêu cự ngắn (góc rộng) giúp thu được nhiều cảnh hơn nhưng có thể gây méo hình ở rìa ảnh, đồng thời làm giảm độ sâu (độ xoá phông) của hình ảnh. Tiêu cự dài (tele) làm tăng độ sâu của hình ảnh, nền mờ hơn, tạo hiệu ứng nén không gian, giúp chủ thể nổi bật hơn.
Để biết chi tiết hơn, các bạn có thể tham khảo bài viết về tiêu cự máy ảnh của chúng mình!
7. Cân bằng trắng (white balance)
Cân bằng trắng là một thông số máy ảnh giúp thiết lập màu trắng thực sự. Điều này tạo ra một điểm tham chiếu để đo lường tất cả các màu khác. Màu trắng có thể không xuất hiện “trắng” dưới mọi điều kiện ánh sáng, vì vậy cài đặt này giúp điều chỉnh lại. Cân bằng trắng có thể được xác định tự động bởi máy ảnh, chọn từ danh sách các thiết lập sẵn có hoặc được thiết lập thủ công bởi người dùng.
Lý do cần thiết phải thiết lập cân bằng trắng là do màu sắc của ánh sáng chiếu lên chủ thể, còn được gọi là nhiệt độ màu. Dù là ánh sáng tự nhiên ngoài trời hay ánh sáng từ các thiết bị chiếu sáng nhân tạo trong nhà, ánh sáng có thể có nhiệt độ màu khác nhau.
Sau đây là 1 số chế độ cân bằng trắng của máy ảnh
- Auto (Tự động): Máy ảnh tự điều chỉnh.
- Daylight (Ánh sáng mặt trời): Phù hợp khi chụp ngoài trời.
- Cloudy (Trời nhiều mây): Bổ sung màu ấm khi chụp trong điều kiện trời âm u.
- Tungsten (Bóng đèn sợi đốt): Giảm ám vàng khi chụp dưới ánh đèn vàng.
Cân bằng trắng là một thông số máy ảnh giữ cho màu sắc trung thực, tránh hiện tượng ám màu không mong muốn.
Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn, chúng mình có 1 bài viết chi tiết về cân bằng trắng trong nhiếp ảnh và làm phim!
Việc hiểu rõ thông số máy ảnh không chỉ giúp bạn kiểm soát tốt hơn từng bức ảnh mà còn mở ra nhiều cơ hội sáng tạo hơn trong nhiếp ảnh. Khi bạn nắm vững khẩu độ, tốc độ màn trập, ISO và cách chúng ảnh hưởng đến hình ảnh, bạn sẽ không còn bị giới hạn bởi chế độ tự động mà có thể tự do thể hiện ý tưởng của mình. Hãy dành thời gian tìm hiểu và thực hành, vì càng hiểu sâu về thông số máy ảnh, bạn càng tiến gần hơn đến việc tạo ra những bức ảnh chất lượng và đầy cảm xúc! Qua bài viết này, Tách Tách mong rằng bạn đã hiểu rõ được những kiến thức cơ bản liên quan đến các thông số máy ảnh.
Follow Tách Tách và Fanpage để biết thêm được nhiều thông tin hay và bổ ích nha!