KHÁM PHÁ GÓC QUAY POV: BIẾN NGUỜI XEM THÀNH NHÂN VẬT CHÍNH
Khi bạn thưởng thức một bộ phim hay chương trình truyền hình, thậm chí là một video quảng cáo; việc đặt khán giả vào bên trong góc nhìn của nhân vật có thể là một điều không dễ dàng. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về POV, hay còn gọi là góc quay theo điểm nhìn. Chúng ta sẽ định nghĩa nó, xem nó hoạt động ra sao, và cùng nhau khám phá vì sao nó nên có mặt trong danh sách các góc quay của bạn.
I. Góc quay POV (Point of View) là gì?
Góc quay POV là một góc máy trong phim cho thấy những gì một nhân vật đang nhìn thấy từ góc nhìn ngôi thứ nhất. Nói cách khác, máy quay đóng vai trò như đôi mắt của nhân vật và khán giả sẽ thấy những gì nhân vật đó thấy. Thường thì cảnh quay này được đặt xen giữa một cảnh cho thấy nhân vật đang nhìn vào thứ gì đó, và một cảnh khác thể hiện phản ứng của nhân vật.
Đặc điểm và cách sử dụng góc quay POV:
-
Thường được quay bằng máy quay cầm tay để làm nổi bật cảm giác chủ quan.
-
Góc quay POV trở thành đặc trưng của dòng phim slasher (giết người hàng loạt), thường được gọi là “POV của kẻ giết người”, như trong phim Halloween của John Carpenter.
-
Nó cũng cho phép các nhân vật khác “nhìn vào máy quay” mà không hoàn toàn phá vỡ bức tường thứ tư (4th wall).
Góc quay POV chỉ là một trong rất nhiều lựa chọn về bố cục khung hình trong điện ảnh. Nếu bạn cần ôn lại nhanh về những khung hình phổ biến khác và cách chúng hoạt động trong việc kể chuyện bằng hình ảnh, chúng tôi đã tổng hợp lại đầy đủ trong một bài riêng tại đây.
II. Cách sử dụng góc quay POV
Có rất nhiều cách độc đáo để bạn sử dụng góc quay POV trong tác phẩm của mình. Hãy cùng xem một loạt ví dụ về cách kiểu góc máy này đã được sử dụng trong điện ảnh và truyền hình.
John Carpenter sử dụng góc quay theo điểm nhìn để đặt khán giả vào tâm trí của kẻ giết người trong Halloween.
Góc quay POV có thể truyền tải bất kỳ cảm xúc nào mà đạo diễn muốn. Quentin Tarantino sử dụng cảnh quay POV trong Kill Bill để cho chúng ta thấy góc nhìn của The Bride đối với những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ thảm sát trong lễ cưới của cô. Họ là mục tiêu của cô, và một mẹo để khiến khán giả đồng cảm với The Bride cùng hành trình báo thù của cô chính là cho chúng ta nhìn thấy họ qua đôi mắt của cô ấy.
Trong Rear Window, Hitchcock sử dụng cảnh quay theo góc nhìn của Jimmy Stewart để giới thiệu người tình của anh. Việc tiết lộ khuôn mặt của Grace Kelly khiến khán giả bị cuốn hút, đồng thời cũng thiết lập kỳ vọng cho nhân vật của cô. Cô là một phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu – người mà nhân vật chính không tin là có thể thoát khỏi hình mẫu “người chăm sóc”. Chúng ta gặp cô ấy thông qua góc nhìn của anh khi anh vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ.
Chỉ với ba ví dụ này, bạn đã có thể thấy ứng dụng của góc quay POV đa dạng đến thế nào. Một khi khán giả được đặt vào góc nhìn của nhân vật, họ có thể trải nghiệm đủ loại cảm xúc cùng nhân vật đó: sợ hãi, lãng mạn, cô đơn, v.v.
III. Những bộ phim sử dụng góc quay POV
1. The Lady in the Lake
Có thể bạn đã xem kha khá phim sử dụng góc quay POV trong hai thập kỷ qua, nhưng thật ra đã có một bộ phim từ năm 1947 mang tên The Lady in the Lake áp dụng kỹ thuật này. Đây là một tác phẩm Film Noir trong đó khán giả được đặt vào góc nhìn của một thám tử tư — nhân vật Phillip Marlowe, thường xuất hiện trong các tác phẩm của Raymond Chandler. Dù không phải là bộ phim noir xuất sắc nhất, nhưng như trailer từng tuyên bố, đó là một kỹ thuật mang tính cách mạng vào thời điểm ấy.
2. The Blair Witch Project
Góc quay POV đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ, nhưng sự phát triển của công nghệ làm phim kỹ thuật số đã mở ra cơ hội cho các đạo diễn và biên kịch sáng tạo thêm nhiều cách khai thác mới. Đặc biệt là khả năng quay toàn bộ một bộ phim từ góc nhìn ngôi thứ nhất.
Tất cả bắt đầu một cách khiêm tốn với cú hit The Blair Witch Project.
3. Cloverfield
Sau đó, các bộ phim sử dụng góc quay POV kiểu này (thường được gọi là “found footage” – thước phim tìm thấy) trở thành một phong cách phổ biến, tạo ra một làn gió mới cho trải nghiệm điện ảnh. Năm 2008, Matt Reeves và Drew Goddard mang đến Cloverfield, một bom tấn kết hợp giữa phim quái vật và góc quay POV. Trong thời đại ai cũng có điện thoại quay phim, ý tưởng ghi lại những sự kiện kiểu như thế này từ góc nhìn người trong cuộc khiến mọi thứ – dù là khó tin nhất – cũng trở nên “thật” hơn bao giờ hết.
Đây là một cách khai thác sáng tạo góc quay POV, và lần này nó kéo dài xuyên suốt cả bộ phim. Điều thú vị ở Cloverfield là cách nó sử dụng máy quay cầm tay (camcorder) để đưa khán giả vào góc nhìn của nhân vật, nhưng đồng thời lại “lách luật” để tận dụng được đủ kiểu góc máy mà vẫn hợp lý trong bối cảnh POV.
4. Enter The Void
Đạo diễn Gaspar Noé còn đưa ý tưởng này lên một tầm cao mới — theo nghĩa đen. Trong Enter The Void, góc nhìn POV trở nên vũ trụ và siêu thực. Chúng ta theo chân Oscar, nhân vật chính, chủ yếu qua góc nhìn của anh. Nhưng khi anh bị giết, máy quay chuyển sang góc nhìn của… linh hồn anh. Bị tách khỏi thể xác, linh hồn và máy quay lượn quanh Tokyo, bay lên, trôi xuống, len lỏi qua từng ngóc ngách.
Đó là một hành trình hoàn toàn điên rồ.
Kết luận
Góc quay POV không chỉ là một kỹ thuật hình ảnh thú vị mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp bạn – người làm phim, kể chuyện hiệu quả hơn. Dù bạn muốn đưa khán giả vào cảm giác hồi hộp, lãng mạn hay sợ hãi, POV shot luôn mang đến một góc nhìn trực diện và chân thực nhất. Hy vọng sau bài viết này, các bạn sẽ có thêm cảm hứng và hiểu rõ cách ứng dụng góc quay POV trong các dự án cá nhân. Hãy thử lên shot list và tận dụng sức mạnh của “con mắt nhân vật” để kể câu chuyện theo cách khác biệt hơn nhé!
Theo dõi tachtach.vn và Fanpage để biết thêm nhiều thông tin hay nha!